Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Làng Dòng - bánh Nẳng - Hương vị vùng đồi


Hương vị vùng đồi

.
PTO- Truyện kể lại rằng: Ngày xửa, ngày xưa, trong vùng có cô gái dung nhan bình dị, tuổi đã đôi mươi mà vẫn chưa có đám nào dòm ngó. Một hôm, khi làm vườn thấy mệt cô ngồi dựa gốc cây mà ngủ. Trong mơ, bụt hiện lên bảo “Con hãy lấy nước tro của các loại cây trên đồi ngâm với gạo nếp, lấy lá dong gói lại rồi đem luộc. Con đem bánh ấy chấm mật mà mời làng ăn sẽ được như ý”. 

Cô làm theo thì được một loại bánh có màu vàng như mật ong, trong như hổ phách. Cô mang bánh mời khắp làng. Ai ăn cũng khen bánh vừa ngon, vừa lạ miệng, lại có hương vị cỏ cây vùng đồi quê nhà. Về tên bánh, vì được làm từ những loại cây cỏ ưa nắng mọc ở đồi cao nên được đặt tên là bánh Nắng. Nhờ loại bánh Nắng mà cô gái đã gặp được một chàng trai như ý rồi kết duyên chồng vợ. Sau khi cưới, đôi vợ chồng trẻ đã truyền lại cho dân làng cách làm bánh Nắng, lâu dần người dân gọi chệch đi là bánh Nẳng, có người lại gọi là bánh Tro vì bánh được làm từ nước tro của các loại cây mọc trên đồi. Tương truyền, vùng quê mà cô gái sinh sống chính là Làng Dòng - huyện Lâm Thao bây giờ.
Bà Đỗ Thị Thanh (bên phải) luôn tự hào vì mình còn lưu giữ được cách làm nghề bánh Nẳng truyền thống của Làng Dòng.
Bà Đỗ Thị Thanh (bên phải) luôn tự hào vì mình còn lưu giữ được cách làm nghề bánh Nẳng truyền thống của Làng Dòng.
Làng Dòng hay chính là xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao. Nơi đây được biết đến là ngôi làng có truyền thống văn hiến đặc biệt là tinh thần hiếu học đã phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XIV, XV với nhiều danh nhân đỗ đạt thành tài như cụ Nguyễn Doãn Cung, Nguyễn Mẫn Đốc, Nguyễn Chính Tuân... Cùng với thời gian, Làng Dòng trở thành một trong những ngôi làng nổi tiếng trong tỉnh bởi có số lượng người đỗ đạt cao: Khoảng 50 Giáo sư, Tiến sỹ và gần 600 người có bằng Đại học (thống kê năm 2011). Làng trở thành 1 trong 16 làng của cả nước có văn chỉ, mặc dù hiện nay đã bị mai một nhưng đang được chính quyền và bà con trong làng tìm cách khôi phục lại. Cùng với đó, làng có hệ thống đình, chùa, miếu mạo trang nghiêm và quy củ với Chùa Phổ Quang - được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia với bệ đá hoa sen được ghép từ 71 phiến đá trạm trổ kỳ công. Nổi tiếng với truyền thống văn hiến, hiếu học, người dân làng Dòng còn lưu giữ được cách làm của rất nhiều loại bánh đặc sản của vùng trung du đất Tổ như: Bánh chưng, bánh dày, bánh gai, bánh đúc và đặc biệt là bánh Nẳng - loại bánh có vị thanh mát, lắng đọng hương vị của vùng đồi đất trung du...

Quy trình làm bánh Nẳng khá cầu kỳ: Lấy gạo nếp ngon, hạt dài, không bị vỡ, không lẫn tẻ đem đãi rồi ngâm với nước tro - loại tro đốt từ nhiều thứ cây mọc trên các triền đồi khô cằn có vỏ dai và đắng như núc nác, thừng mực, gió rừng, gai sòng sọc, vỏ sở, sắn, cam, quýt, bưởi... Yêu cầu cần phải đốt các loại cây từ khi vỏ còn tươi. Trong nước tro ngâm bánh, người dân làng Dòng còn ngâm kèm một nhánh măng tre tươi đã được nướng qua lửa, phơi khô để bánh có màu vàng như mật ong. Bánh được gói theo kiểu bánh tày, dài chừng gang tay, nhỏ bằng cái ống bơm tay xe đạp, bên trong lót một lượt lá cau để bánh khỏi thâm và dễ bóc, bên ngoài gói bằng lá dong. Mặc dù vậy nhưng từ cách chọn các loại cây, vỏ cây đem đốt cũng như tỷ lệ hòa nước tro mỗi gia đình lại có bí quyết và kinh nghiệm riêng. Bà Đỗ Thị Thanh - một trong những người còn lưu giữ được cách làm bánh Nẳng truyền thống chia sẻ:

Các cụ vẫn có câu: Lắm cây thì đỏ/ Lắm vỏ thì nhừ. Trong làm bánh Nẳng, càng đốt nhiều loại cây, vỏ cây có vị đắng để làm nước tro thì bánh càng ngon, càng đẹp, càng nhừ. Mặc dù vậy nhưng cũng cần cân đối tỷ lệ của nước, tro, gạo và của cả các loại cây với nhau thì bánh mới không bị hăng và có vị thanh mát. Xưa kia bánh được làm nhiều vào dịp tết để làm quà bởi bánh Nẳng như một thứ xúc tác giúp tiêu hóa các chất nếp một cách dễ dàng, tạo cảm giác man mát, dễ chịu sau bữa cỗ nặng những bánh chưng, thịt mỡ. Vì vậy, bánh Nẳng Làng Dòng đã theo chân bao người con xa xứ đi làm quà khắp bốn phương.

Bánh Nẳng có đặc điểm là ruột bánh bóc ra mềm oặt và nhuyễn nhừ như bánh bột lọc. Người ta thường dùng sợi dây lạt mảnh như sợi chỉ cắt thành lát mỏng xếp lên đĩa, tránh xếp chồng lên nhau. Muốn ăn lấy đũa gắp từng lát lăn qua bát mật. Thật khó có thể miêu tả vị ngon của bánh Nẳng nhưng rất nhiều người ăn bánh Nẳng Làng Dòng đều nhận xét rằng: Đây là loại bánh mang cho người ta cảm giác dễ chịu, dùng để ăn tráng miệng, ăn cho sang chứ không phải ăn để no.

Trải qua thời gian cùng với những thăng trầm, biến cố của ngôi làng, nghề làm bánh Nẳng ở Làng Dòng cũng có nhiều lúc thịnh, suy. Để bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của Làng Dòng đồng thời giới thiệu cho mọi người biết đến những đặc sản ẩm thực của một vùng quê trung du đất Tổ, Công ty Cổ phần Làng Dòng đã ra đời. Là tâm huyết của những người con xa quê thành đạt muốn giúp quê hương khôi phục ngành nghề truyền thống đồng thời là chiếc cầu nối giúp người lao động địa phương có thêm công ăn việc làm, cải tạo những vùng đất hoang hóa, khô hạn không trồng được lúa để trồng cây gai, hoặc cây có vỏ đắng..., ngay từ khi ra đời, Công ty đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trong làng. Không chỉ chuyên sản xuất các loại bánh làm từ gạo như: Bánh chưng, bánh dày, bánh nẳng, bánh gai, bánh đúc... Công ty còn bán buôn các sản phẩm nông sản và giới thiệu sản phẩm rau sắn chua đến bạn bè khắp nơi. Để việc làm đem lại kết quả, Công ty tiến hành xây dựng nhà xưởng theo mô hình làng nghề với các hộ gia đình với mức hỗ trợ trung bình 30 triệu/hộ đồng thời tổ chức hướng dẫn quy trình sản xuất cho các hộ gia đình.

Về Làng Dòng hôm nay dễ dàng nhận thấy không khí phấn khởi, tự hào của bà con nơi đây. Mọi người đang nỗ lực, cố gắng và tin rằng những đặc sản truyền thống của vùng đất Làng Dòng sẽ được bạn bè khắp nơi biết đến.


Vĩnh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét